Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến

Thứ Hai, 20/2/2017 - 14:58 Đã xem: 493

Chế biến nông sản là ngành nghề chủ lực của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực, có lợi thế như chè, mía đường, lâm sản... Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định là một trong những khâu đột phá giai đoạn 2016 - 2020.

 

          Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Thực thăm dây chuyền sản xuất bột giấy tại Công ty cổ phần Giấy An Hòa.  Ảnh: Thanh Phúc

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản là ngành công nghiệp chủ lực và thế mạnh của tỉnh. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, giá nhân công tại chỗ rẻ, trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông, lâm sản đã có những bước phát triển nhất định.
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản không chỉ đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp chung mà được coi là “bà đỡ” cho nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, có tầm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân. 
Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm có nguồn nguyên liệu ổn định và là thế mạnh của tỉnh như chế biến mía, chè, chế biến lâm sản. Nhờ đó, lĩnh vực chế biến nông, lâm sản đã có những bước khởi sắc đáng kể, nhiều nhà máy được xây dựng, các doanh nghiệp cũng đã có những nỗ lực trong việc đầu tư, đổi mới trang thiết bị cho dây chuyền sản xuất...
Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông lâm sản và thực phẩm chỉ tính riêng một số lĩnh vực sản xuất chính như: Chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến lâm sản, công nghiệp giấy, đường kính đạt gần 2.200 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Hiện công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh chủ yếu ở một số lĩnh vực sản xuất như: Giấy, bột giấy, đường kính, chè xuất khẩu, các sản phẩm được chế biến từ gỗ rừng trồng dùng để xuất khẩu, đồ gia dụng. Công ty cổ phần Giấy An Hòa hiện có 2 dây chuyền sản xuất, trong đó dây chuyền sản xuất bột giấy có công suất 130.000 tấn/năm và dây chuyền sản xuất giấy tráng phấn cao cấp có công suất 140.000 tấn/năm. 

Cơ sở chế biến lâm sản của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang tại Khu công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa).
Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận ngoài một số doanh nghiệp sản xuất giấy, mía đường còn lại phần lớn các cơ sở chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, thiết bị, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn, năng lực sản xuất hạn chế; các sản phẩm vẫn chủ yếu là sản xuất dưới dạng thô, chưa tập trung cho tinh chế; chất lượng thấp, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu riêng.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, tuy nhiên sản lượng bán ra trên thị trường còn rất khiêm tốn, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong ngành hàng này.
Điển hình có Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang, một số HTX chế biến chè, mật ong, bột dong riềng. Chế biến sâu vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ, chiếm tỷ trọng quá khiêm tốn; do đó, giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm này vẫn còn hạn chế, đặc biệt là tại những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Định hướng của tỉnh đối với công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm là tập trung phát triển các loại sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có nguồn nguyên liệu dồi dào, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu như: bột giấy và giấy, sản xuất chè, sản xuất đường kính, chế biến gỗ, thức ăn gia súc và một số sản phẩm có thế mạnh khác.
Đối với các cơ sở sản xuất, tập trung phát triển mạnh năng lực chế biến bằng cách mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến phù hợp, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong thời gian tới khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến hoa quả, rượu, bia. 

Hạ tầng Khu công nghiệp Long Bình An đã được đầu tư hoàn chỉnh chào đón các nhà đầu tư.
Hiện UBND tỉnh đang triển khai thực hiện xây dựng Đề án đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, những giải pháp cơ bản được đề ra đối với ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản là thực hiện đầy đủ các chính sách thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức; nghiên cứu, lựa chọn, tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến chè đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất; thu hút đầu tư xây dựng 3 cơ sở chế biến chè đặc sản tập trung tại các huyện Nà Hang, Lâm Bình hướng tới xuất khẩu; đầu tư nâng công suất 2 nhà máy đường hiện có lên 12.000 tấn mía cây/ngày, kết hợp với sản xuất điện sinh khối và phân bón phục vụ sản xuất.
Tỉnh tạo điều kiện nâng cấp các cơ sở chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ; duy trì hoạt động có hiệu quả của các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ quy mô lớn đã có trên địa bàn; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván nhân tạo, các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ rừng trồng, tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến để sản xuất viên nén làm chất đốt.
 
Báo Tuyên Quang điện tử     
 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 998 | Trang: 1 trên tổng số 100 trang  
Xem tin theo ngày:   / /