Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác hòa giải ở cơ sở

Thứ Sáu, 13/1/2017 - 08:43 Đã xem: 10399

Công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.

Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và phối hợp tham gia thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc trước hết thể hiện qua việc tổ chức, xây dựng các Tổ hoà giải, lựa chọn, giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn là tổ viên Tổ hòa giải; Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn; lựa chọn, giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn là tổ viên tổ hòa giải; phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận để tiến hành giới thiệu, công bố danh sách các cá nhân tiêu biểu đã được lựa chọn để nhân dân bầu theo đúng quy định tại Điều 8, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Việc lựa chọn, giới thiệu người của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được tiến hành trên cơ sở sự đánh giá, nhận xét về năng lực, phẩm chất, thái độ, tinh thần tham gia… trên thực tế của cá nhân đối với tập thể, cụ thể là việc tham gia các hoạt động, phong trào và hiệu quả công việc mà cá nhân đảm nhận tại địa phương; uy tín của cá nhân được lựa chọn; đảm bảo sự thống nhất ý kiến với các tổ chức thành viên. Việc lựa chọn, giới thiệu người của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc có tác dụng quan trọng đến việc tổ chức và thành lập Tổ hòa giải, tổ viên Tổ hòa giải tạo tiền đề để đội ngũ này hoạt động có chất lượng và hiệu quả. 
Mạng lưới Tổ hòa giải được thành lập ở 100% khu dân cư, toàn tỉnh có 2.099 tổ hòa giải/2.096 khu dân cư (có 03 thôn địa bàn rộng, dân số đông nên thành lập 02 Tổ hòa giải), với 12.896 hòa giải viên. Thành phần tổ hòa giải gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận (nhiều địa phương Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận), trưởng các đoàn thể, Trưởng các chi hội, người có uy tín,… Tổ trưởng hòa giải thường là Bí thư chi bộ hoặc Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận. Đội ngũ hòa giải viên đều là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở. Có 66 người có trình độ chuyên môn Luật; 12.830 người chưa qua đào tạo chuyên môn luật; 9.004 hòa giải viên được bồi dưỡng chyên môn nghiệp vụ. Đối với những địa bàn có nhiều thành phần dân tộc sinh sống đều có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ nữ tham gia đảm bảo theo quy định.
Mặt trận Tổ quốc phối hợp giúp đỡ tạo điều kiện về nhân lực, động viên, khuyến khích, thuyết phục đối với công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời tham gia hòa giải trực tiếp các vụ việc, các tranh chấp, xích mích trong nhân dân. Bên cạnh đó, còn phối hợp với các cơ quan hữu quan tham gia hướng dẫn hoạt động hòa giải về nghiệp vụ, về cơ cấu tổ chức. Bằng việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục nhằm giải quyết kịp thời những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, những mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân với nhau trong sinh hoạt cộng đồng dân cư; những tranh chấp về quyền và lợi ích xuất phát từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; những tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những việc vi phạm đó chưa đến mức xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc hành chính. Hoạt động hòa giải góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, giảm bớt các vụ việc phải xét xử tại Tòa án; nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân được giải quyết kịp thời, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo. Năm 2016, Tổ hòa giải đã tiếp nhận 3.304 vụ, trong đó số vụ hòa giải thành 2.746, chiếm 83,11%; số vụ hòa giải không thành 471 vụ, chiếm 14,25% (trong đó các vụ do mâu thuẫn giữa các bên 178 vụ; tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình 179 vụ; vụ việc khác 114); số vụ chưa giải quyết xong 87 vụ. Nội dung hòa giải chủ yếu liên quan về lĩnh vực đất đai; mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống; mâu thuẫn giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh trong dân sự, quan hệ hôn nhân gia đình.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo khu dân cư đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện quy ước, trong đó đề ra các biện pháp duy trì, bảo vệ trật tự an toàn xã hội; phát hiện kịp thời và đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giải quyết những mâu thuẫn, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật, giảm thiểu những tác động tiêu cực phát sinh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa trong các khu dân cư. Toàn tỉnh có 2.095/2.096 thôn, tổ dân phố có quy ước được lồng ghép nội dung hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hướng dẫn lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” , đã tạo phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân, Tổ hòa giải hoạt động ngày càng hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực về an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư./.
 
Nguyễn Thiết
 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 4515 | Trang: 1 trên tổng số 452 trang  
Xem tin theo ngày:   / /